27
Tháng 5

Tân Bình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển theo đúng định hướng Featured

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, cùng cả nước và Thành phố, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tân Bình đã bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế có sự thay đổi trong từng thời kỳ của quận, cụ thể:

Giai đoạn từ năm 1975 - 1985, trong nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, cơ cấu kinh tế của Tân Bình giai đoạn này là “sản xuất tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp”. Giá trị sản xuất giai đoạn này còn thấp, chủ yếu là sản xuất nhỏ. Tổng giá trị sản xuất toàn Quận năm 1985 là 446,9 triệu đồng. Về nông nghiệp, đây là giai đoạn phát triển mạnh với các mô hình, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp như Tân Thắng, Tân Trụ, Hợp tác xã 30/4… là một trong những quận có mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả của Thành phố. Về thương nghiệp chủ yếu là hoạt động của các công ty quốc doanh như: công ty bách hóa tổng hợp bán lẻ, công ty ăn uống dịch vụ, công ty xuất nhập khẩu, công ty dịch vụ du lịch, liên hiệp Hợp tác xã Quận và Hợp tác xã tiêu thụ các phường.

Chợ Phạm Văn Hai

Bước vào những năm đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế (1985 - 1990), cơ cấu kinh tế quận chuyển đổi sang “công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp”. Là giai đoạn nhà nước có nhiều chính sách khơi dậy nền sản xuất hàng hóa, thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể quận phát triển nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 9.3%/năm. Về thương nghiệp: thực hiện chế độ một giá theo cơ chế thị trường, giám đốc chịu trách nhiệm về lãi, lỗ trong hoạt động kinh doanh. Về nông nghiệp: do quá trình đô thị hóa và yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, diện tích đất canh tác thu hẹp dần, đất nông nghiệp các phường 10, 11, 12, 13 chuyển sang quy hoạch khu dân cư Bàu Cát, phần lớn đất nông nghiệp chuyển đổi dần sang dân cư và sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp dần thu hẹp diện tích đất canh tác và giải thể.

Chợ Tân Bình

Giai đoạn từ 1990 - 2003 là giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, cơ cấu kinh tế của quận Tân Bình được xác định là “công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ”, với nhiều luật ra đời như Luật đầu tư, Luật thương mại, Luật Doanh nghiệp… Nền kinh tế đất nước có bước phát triển nhanh. Trên địa bàn Quận giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng cao, bình quân 16%/năm, đứng đầu Thành phố. Về lĩnh vực thương mại dịch vụ hàng năm tăng bình quân 37%.

Chợ Bàu CátCuối năm 2003, quận Tân Bình được tách thành hai quận là Tân Bình và Tân Phú, do khu công nghiệp và phần lớn các mặt bằng nhà xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nằm ở địa bàn quận Tân Phú, do đó đầu năm 2004, Ban Chấp hành Đảng bộ quận lâm thời đã xác định cơ cấu kinh tế của quận ở giai đoạn này là “Thương mại, dịch vụ - sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”. Doanh thu thương mại dịch vụ năm 2004 của quận đạt 13.375 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp 2.592 tỷ đồng.

Để đưa Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Quận lần thứ IX (2005 - 2010) đi vào cuộc sống, trên lĩnh vực kinh tế, Quận ủy xây dựng và triển khai thực hiện chương trình 10-CTr/QU về chuyển đổi cơ cấu kinh tế của quận theo hướng “Thương mại - dịch vụ - sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”. Quận thực hiện quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch chi tiết, sắp xếp, củng cố lại mạng lưới thương mại dịch vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả các chợ truyền thống, trung tâm triển lãm quốc tế, các siêu thị và trung tâm thương mại. Khuyến khích tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn quận. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về doanh thu thương mại dịch vụ trong nhiệm kỳ là 29.68%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12.53%/năm.

Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Tân Bình lần thứ X (2010 - 2015) tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế của quận là “Thương mại, dịch vụ - sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”. Sau đại hội, Quận ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/QU về “Hỗ trợ thương mại dịch vụ chất lượng cao”. Những năm từ năm 2011 - 2014 là những năm nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, Quận ủy, Ủy ban nhân dân Quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Tập trung các giải pháp như giảm, nộp thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại; đồng thời tổ chức kết nối ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp và tiểu thương vay vốn với tổng số tiền phát vay là 1.835,25 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi theo từng thời điểm. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ quận đến 15 phường, nhất là sự vượt khó vươn lên của các thành phần kinh tế đã góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế của quận, doanh thu thương mại dịch vụ hàng năm trong nhiệm kỳ tăng bình quân là 31.31%, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 6.15%.

Siêu thị Maximax cộng hòaSiêu thị VinaTEXSân bay Tân Sơn Nhất

Cùng với cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh chào đón 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, nhìn lại chặng đường 40 năm phát triển trên lĩnh vực kinh tế của quận, Đảng bộ, Chính quyền, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và mỗi người dân đều thấy phấn khởi, vui mừng vì đã góp phần làm cho kinh tế quận Tân Bình luôn có sự tăng trưởng cao và đúng định hướng, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển Thành phố. Kế thừa và phát huy truyền thống địa phương, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tiếp tục chung sức, chung lòng để góp phần xây dựng Tân Bình ngày càng giàu đẹp hơn.

 

 

 

Chia sẽ bài viết lên mạng xã hội

Read 1868 times Last modified on Sunday, 28 May 2017 04:28

Bài viết cùng chuyên mục