10
Tháng 4

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG BỔ NHIỆM CÁN BỘ: KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, NÊU CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU Featured

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ: cơ bản bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong tất cả các khâu, xây dựng được đội ngũ cán bộ tương xứng, ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. Kiểm soát quyền lực và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu (NĐĐ) là những biện pháp thiết thực phòng ngừa vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ.

Thực tiễn minh chứng những khuyết điểm, vi phạm về bổ nhiệm cán bộ không những gây bức xúc trong nội bộ, để lại hậu quả khó lường mà còn gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Điển hình, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 – 2015 thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng để các đơn vị thành viên bổ nhiệm 27 trường hợp không có trong quy hoạch, có trường hợp không đủ tiêu chuẩn và chỉ đạo bổ nhiệm tám trường hợp thuộc PVN không có trong quy hoạch. Thậm chí 17 cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm không bị xem xét, xử lý trách nhiệm mà vẫn được PVN điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp lên chức cao hơn. Hệ lụy là nhiều cán bộ trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của PVN vi phạm nghiêm trọng bị khai trừ Đảng và xử lý hình sự.

Cũng xuất phát từ thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, biểu hiện nể nang, Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện; đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; để Bí thư BCSĐ tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Công thương đối với Trịnh Xuân Thanh và một số trường hợp khác; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Tại Vĩnh Phúc, trong số 15 trường hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định có tới ba trường hợp bổ nhiệm thiếu nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường.

Nhiều vi phạm nổi cộm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ cũng cho thấy sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010 – 2015, ông Ngô Văn Tuấn đã ưu ái, nâng đở không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như tiếp nhận, điều động bà Trần Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở. Vi phạm có hệ thống của ông Tuấn còn thể hiện qua việc ký quyết định trái thẩm quyền về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm 29 trưởng, phó phòng chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị và 12 trong số 29 trường hợp chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước; ký bổ nhiệm lần đầu đối với 55 trường hợp trưởng, phó phòng không có trong quy hoạch. Ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 – 2015 cũng có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai là Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục.

Đó chỉ là dẫn chứng điển hình trong nhiều sai phạm bổ nhiệm cán bộ và nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn. Một số nơi NĐĐ không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, để ban thường vụ phê duyệt quy hoạch và thường trực tỉnh ủy cho chủ trương bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền dẫn đến lạm quyền, lộng quyền hoặc lợi dụng nguyên tắc này để áp đặt, thực hiện ý đồ cá nhân, ưu ái, nâng đở không trong sáng đối với một số trường hợp người thân, phe cách hoặc “mở đường” cho việc chạy chức, chạy quyền. Một số nơi, đơn vị tham mưu, giúp việc còn thực hiện chưa đúng chức năng, nhiệm vụ về công tác cán bộ cho cấp ủy, trong đó bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định. Các tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của Bộ Chính trị khóa X để cấp dưới sai phạm trong bổ nhiệm một số cán bộ.

Để ngăn ngừa, khắc phục những khuyết điểm, vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ trước hết đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm chặn đứng hành vi lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực, nhất là của một số NĐĐ và cán bộ tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, công bố công khai để góp phần cảnh báo, răn đe. Bên cạnh đó, xác định rõ thẩm quyền và chịu trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong công tác cán bộ trên cơ sở áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tất cả các khâu, nhất là bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, từ đó đánh giá đúng, phát huy những kinh nghiệm tốt, uốn nắn sơ hở, thiếu sót; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện tha hóa quyền lực, lệch lạc, khuyết điểm trong bổ nhiệm cán bộ.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung quy chế kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của Bộ Chính trị khóa X cho sát hợp các quy định, quy trình về công tác cán bộ đã sửa đổi vừa qua và phù hợp thực tiễn gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ cấp mình quản lý một cách đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp; quy định rõ NĐĐ và người phụ trách công tác cán bộ khi chuyển công tác, trước khi nghỉ hưu phải báo cáo công việc liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ và có rà soát, kiểm tra, xem xét trách nhiệm nếu mắc sai lầm là những giải pháp thiết thực cần sớm thực thi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, mở rộng việc thi tuyển và đối tượng thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý gắn với coi trọng tiến cử và chịu trách nhiệm về người mình tiến cử…, bố trí ít nhất hai ứng viên cho một chức danh khi xem xét bỏ phiếu tín nhiệm bổ nhiệm cán bộ là hướng mở khả quan để lựa chọn được cán bộ lãnh đạo hội tụ đủ đức – tài.

Trích đăng từ bài viết “Xử lý vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ: Kiểm soát quyền lực, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu” trong Báo Nhân dân (trang 8), số 249 tháng 01/2018 của đồng chí Cao Văn Thống - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương .

 

 
 

Duyệt đăng trên các Website của Quận

TRƯỞNG BAN

 

 

 

 

Đặng Tấn Tuyên

 

 

 

 

Chia sẽ bài viết lên mạng xã hội

Read 1224 times Last modified on Wednesday, 10 June 2020 05:23

Bài viết cùng chuyên mục